Thông tin chi tiết về huyện Tân Trụ chính xác nhất

Huyện Tân Trụ nằm ở đâu tỉnh Long An? Vị trí địa lý ra sao? Có mật độ dân số và quá trình lịch sử hình thành phát triển như thế nào? Các di tích lịch sử huyện Tân Trụ, tín ngưỡng tôn giáo ở đây ra sao? Tất cả những thắc mắc của bạn sẽ được chia sẻ chi tiết qua bài viết dưới đây.

Huyện Tân Trụ
Huyện Tân Trụ

Vị trí địa lý

Tân Trụ là một huyện nằm ở phía đông nam tỉnh Long An, Việt Nam.

Huyện Tân Trụ thuộc vùng châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long kẹp giữa hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Huyện có vị trí địa lý thuận lợi do nằm gần thành phố Tân An và Thành phố Hồ Chí Minh nên có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế xã hội, du lịch sinh thái gắn với di tích lịch sử.

  • Phía bắc giáp huyện Bến Lức
  • Phía đông giáp huyện Cần Đước
  • Phía nam giáp huyện Châu Thành
  • Phía tây giáp thành phố Tân An và huyện Thủ Thừa.
Chợ Tân Trụ
Chợ Tân Trụ

Diện tích huyện Tân Trụ

Huyện Tân Trụ diện tích 106,50 km², chiếm 2,37% diện tích tự nhiên của tỉnh, được chia ra 10 xã và 01 thị trấn. Thị trấn Tân Trụ là trung tâm kinh tế, chính trị và văn hoá của huyện.

Tân Trụ có vị trí địa lý rất thuận lợi. Từ Thị trấn Tân Trụ trung tâm của huyện cách thành phố Tân An của tỉnh khoảng 20 km về phía Tây và cách Thành phố Hồ Chí Minh chỉ khoảng 40 km về phía Nam.

Huyện Tân Trụ mừng tết
Huyện Tân Trụ mừng tết

Dân số huyện Tân Trụ

Dân số Tân Trụ chủ yếu cư trú vùng nông thôn với hơn 55 ngàn dân, chiếm 90% dân số huyện, dân thành thị chỉ 6 ngàn người, chiếm 10% dân số.

Lực lượng lao động tham gia hoạt động kinh tế xã hội của huyện đến năm 2013 có khoảng 37 ngàn người chiếm gần 60% dân số toàn huyện. Trong đó cơ cấu lao động trong ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng khá cao, khoảng 62,1%. Đây là một nguồn lực quan trọng đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội của huyện.

Chợ Tân Trụ ngày xưa
Chợ Tân Trụ ngày xưa

Thông tin hành chính huyện Tân Trụ

Huyện Tân Trụ có 10 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Tân Trụ (huyện lỵ) và 9 xã: Bình Lãng, Bình Tịnh, Bình Trinh Đông, Đức Tân, Lạc Tấn, Nhựt Ninh, Quê Mỹ Thạnh, Tân Bình, Tân Phước Tây.

Tài nguyên đất đai

Đất ở Tân trụ thuộc loại đất phù sa. Đất phù sa được chia làm ba loại. Trong đó, đất phù sa đang phát triển có 4.362 ha, chiếm 41%; đất phù sa đang phát triển điển hình có 2.384 ha, chiếm 22,4%. Đất phèn có sáu loại. Trong đó, đất phèn nhẹ có 1.650 ha, chiếm 15,5%, đất phèn nhẹ nhiễm mặn có 1.200 ha, chiếm 11,3%. Đất phèn nhiễm mặn nặng có 237 ha, chiếm 2,2% diện tích

Thực trạng sử dụng đất đai trong huyện, theo kết quả điều tra kinh tế xã hội huyện Tân Trụ năm 2000 cho thấy: đất trồng luá chiếm 94% tổng diện tích đất nông nghiệp, đất màu chiếm 1,6%, đất chăn nuôi chiếm 1,8%, đất dành cho nuôi trồng thủy sản chiếm 1,2%.

Trường tiểu học Mỹ Bình
Trường tiểu học Mỹ Bình

Nguồn nước

Nguồn nước mặt trên địa bàn huyện Tân Trụ khá phong phú. Hầu như Tân Trụ được bao quanh bởi hệ thống hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Phía sông Vàm Cỏ Đông là 15,5 km và phía sông Vàm Cỏ Tây là 20 km.

Nguồn nước mưa

Do chế độ mưa phân phối không đồng đều nên thường gây ra úng cục bộ trong mùa mưa và thiếu nước ngọt trong mùa khô. Nước mưa là nguồn chủ yếu được trữ để sinh hoạt cả năm.

Nguồn nước mặn

Tân Trụ nằm giữa hạ lưu của sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, cho nên ảnh hưởng chế độ bán nhật triều biển Đông khá mạnh. Vào mùa khô, nước mặn từ cửa Soài Rạp theo cửa sông chảy vào hệ thống kênh nội đồng làm cho quá trình nhiễm mặn xảy ra. Tuy nhiên, nguồn nước mặn cũng là một lợi thế để phát triển sinh thái ngập mặn về thủy sản và lâm nghiệp.

Nguồn nước ngầm

Theo tài liệu đánh giá của Liên đoàn địa chất thủy văn và địa chất công trình năm 1998 cho thấy:

Các tầng chưa nước nông có chất lượng trung bình và kém, hầu như bị nhiễm phèn, không sử dụng trực tiếp được.

Các tầng ở độ sâu 280 – 320 m có chất lượng nước trung bình và tốt có thể cung cấp cho sinh hoạt con người.

Lịch sử hình thành huyện Tân Trụ

Tân Trụ là quận của tỉnh Tân An từ ngày 20-11-1952, gồm có 2 tổng: An Ninh Hạ với 6 làng, Cửu Cư Hạ với 6 làng. Từ năm 1965, căn cứ Sắc lệnh 143/SL, ngày 22/2/1956 của Tổng thống VNCH, về việc sửa đổi ranh giới các tỉnh Nam phần, thành lập tỉnh Long An,theo đó quận Tân Trụ thuộc tỉnh Long An, các làng gọi là xã. Sau năm 1965, các tổng mặc nhiên giải thể.

Từ năm 1975

  Sau 30-04-1975, Tân Trụ là huyện của tỉnh Long An.

  Ngày 11-03-1977, huyện Tân Trụ hợp nhất với Châu Thành thành huyện Tân Châu.

  Ngày 19-09-1980, Hội đồng Chính phủ Nhà nước Việt Nam ban hành Quyết định số 298-CP, đổi tên huyện Tân Châu thành huyện Vàm Cỏ.

Tân Trụ ngày nay
Tân Trụ ngày nay

 Ngày 04-04-1989, Hội đồng Bộ trưởng Nhà nước Việt Nam ban hành Quyết định số 36/HĐBT, chia huyện Vàm Cỏ thuộc tỉnh Long An thành hai huyện lấy tên là huyện Châu Thành và huyện Tân Trụ.

Huyện Tân Trụ có 10 xã: Nhựt Ninh, Tân Phước Tây, Bình Trinh Đông, An Nhựt Tân, Mỹ Bình, Quê Mỹ Thạnh, Lạc Tấn, Bình Tịnh, Đức Tân và Bình Lãng; với 10.269,56 ha diện tích tự nhiên và 60.149 nhân khẩu.

  Ngày 23-11-1991, huyện thành lập thị trấn Tân Trụ trên cơ sở chia tách một phần diện tích và dân số từ 2 xã: Đức Tân, Bình Tịnh. Sau khi điều chỉnh, huyện Tân Trụ có thị trấn Tân Trrụ và 10 xã: Mỹ Bình, An Nhựt Tân, Quê Mỹ Thạnh, Lạc Tấn, Bình Lãng, Bình Tịnh, Bình Trinh Đông, Tân Phước Tây, Đức Tân, Nhựt Ninh.

Di tích lịch sử huyện Tân Trụ

Trên địa bàn huyện có một số di tích lịch sử như:

Di tích lich sử Vàm Nhựt Tảo

Đền thờ liệt sỹ Tân Trụ
Đền thờ liệt sỹ Tân Trụ

Thuộc Xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An

Nơi ghi dấu chiến công oanh liệt của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực đốt cháy tàu L’Esperance (Hy Vọng) của thực dân Pháp ngày 10.12.1861.

Được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận di tích cấp quốc gia vào ngày 28/6/1996.

Di tích lịch sử Khu Vực Miễu Ông Bần Quỳ

Thuộc Ấp Nhựt Long, xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An.

Được UBND tỉnh Long An công nhận di tích cấp tỉnh ngày 18/6/1993.

Khu di tích Miếu Ông Bẫn Quỷ
Khu di tích Miếu Ông Bần Quỷ

Di tích có tên chữ Hán là “Xá Hương Từ” (Đền Xá Hương) nhân dân địa phương thường gọi là Miễu Xá Hương hay Miễu Ông Bần Quỳ. Ngôi miếu này được dựng lên để thờ ông Mai Công Hương nguyên là Xá Sai Ty của Dinh Phiên Trấn.

Khi Mai Công Hương tuẫn tiết cùng đoàn thuyền vận lương triều đình nhà Nguyễn năm Ất Dậu 1705 những cây bần mọc ở ven sông đều quỳ xuống như tỏ lòng khâm phục nghĩa cử của ông, vì vậy ngôi miếu này còn được gọi là Miễu Ông Bần Quỳ.

 Cụm di tích lịch sử Chùa ông – Đình thần Nhựt Tảo

Thuộc Xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An

Được UBND tỉnh Long An Quyết định số 2681/QĐ-UBND xếp hạng di tích cấp tỉnh vào ngày 23/8/2012.

Chùa Ông - Đình thần Nhựt Tảo
Chùa Ông – Đình thần Nhựt Tảo

Cụm di tích Chùa Ông – Đình thần Nhựt Tảo là địa điểm ghi dấu quá trình khai hoang mở đất và đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc của nhân dân Nhựt Tảo nói riêng và nhân dân Long An nói chung.

– Chùa Ông là nơi thờ Quan Thánh Đế Quân (tức Quan Công) – biểu tượng cho nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, lòng dũng cảm, trung thành nên người dân địa phương quen gọi một cách dân dã là chùa Ông.

– Đình thần Nhựt Tảo là nơi thờ thần Thành Hoàng bổn cảnh và các bậc Tiền hiền họ Hồ- những người đã có công khai khẩn đất hoang trở thành thôn ấp và tham gia vào công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nửa cuối thế kỷ XIX.

Di tích lịch sử Khu vực Cống Bần

Thuộc Ấp Bình Thạnh, Xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An

Được UBND tỉnh Long An ban hành Quyết định số 4075/QĐ-UBND ngày 22/11/2013 xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.

Di tích lịch sử khu vực Cống Bần
Di tích lịch sử khu vực Cống Bần

Di tích Khu vực Cống Bần là địa điểm ghi dấu những sự kiện lịch sử, những chiến công oanh liệt của Đảng bộ, quân và dân Tân Trụ nói chung và Bình Tịnh nói riêng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Di tích đã chứng minh cho lòng yêu nước nồng nàn, lòng căm thù giặc sâu sắc của quân và dân xã Bình Tịnh anh hùng. Dù cho bọn giặc dùng nhiều thủ đoạn độc ác, xây dựng nhiều đồn, tua tại Cống Bần để ngăn cản sự hoạt động của ta, đồng thời thực hiện nhiều chiến lược chiến tranh nhằm kiểm soát nhân dân và chiếm đóng lâu dài đất nước ta nhưng quân và dân xã Bình Tịnh vẫn quyết tâm đánh giặc và bọn tay sai cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn.

Di tích lịch sử Đám lá tối trời

Thuộc Ấp Thuận Lợi, Xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An

Được UBND tỉnh Long An công nhận di tích cấp tỉnh ngày 18/6/1993.

Di tích lịch sử Đám Lá Tối Trời
Di tích lịch sử Đám Lá Tối Trời

Đám lá tối trời là một khu vực sình lầy, sông rạch chằng chịt mọc đầy dừa nước nằm ven bờ Vàm Cỏ Tây thuộc ấp Thuận Lợi, xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An.

Bằng trí thông minh và lòng dũng cảm tuyệt vời của mình nhân dân Tân Trụ đã xây dựng nơi đây thành một căn cứ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Trước 1948 nhân dân gọi khu vực này là “đám lá lớn”. Tháng 8/1948 thực dân Pháp mở cuộc càn quét quy mô đầu tiên vào căn cứ và chúng đã thật sự kinh hoàng trước một địa hình vô cùng phức tạp không biết lối ra. Sau khi thất bại ra về chúng đặt tên cho khu vực này là “Đám lá tối trời” đánh dấu sự thất bại đầu tiên của chúng khi đương đầu với khu căn cứ.

Truyền thống văn hóa đặc trưng của huyện Tân Trụ

Phong tục tập quán

Những lễ nghi, phong tục đời thường như tang chế, cưới xin, tết nhất, đầy tháng, đầy năm… ở Tân Trụ về cơ bản cũng giống như các địa phương khác ở Long An và Nam Bộ.

Ngày nay, chế độ phong kiến, gia trưởng bị xã hội lên án, nên văn hóa ứng xử của người Tân Trụ trong gia đình và ngoài xã hội đã có nhiều thay đổi.

Tuy nhiên, những yếu tố cơ bản của gia đình như tình thương yêu ruột thịt, tinh thần đùm bọc, cưu mang lẫn nhau.

Đám cưới đậm chất miền tây
Đám cưới đậm chất miền tây

Những nét đẹp truyền thống như hiếu khách, tình bạn cao cả, thủy chung, lối sống có nghĩa, có tình cùng với các phong tục tập quán tốt đẹp vẫn được người Tân Trụ bảo tồn, kế thừa và phát triển để xây dựng một xã hội mới ngày một văn minh, tiến bộ hơn.

Tín ngưỡng dân gian:

Ở Tân Trụ, người Việt là thành phần chủ yếu trong cộng đồng, vì thế tín ngưỡng dân gian chủ yếu là tín ngưỡng của người Việt.

Những dòng họ đầu tiên đến khai phá đất Tân Trụ còn lưu lại tập quán truyền thống cúng “việc lề” hoặc “giỗ hội”. Mỗi kiến (cánh) họ có nghi thức và thời gian cúng việc lề khác nhau, nhưng phổ biến nhất vẫn là vào tháng Giêng âm lịch.

Lễ cúng việc lề thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên đã có công lao khai cơ mở đất, có tác động kết chặt tình thân giữa những người trong cùng một cánh họ.

Một góc Tân Trụ ngày nay
Một góc Tân Trụ ngày nay

Với quan niệm “sinh vi tướng, tử vi thần”, nhân dân Tân Trụ duy trì tín ngưỡng thờ cúng những bậc anh hùng, công đức.

Tiêu biểu cho loại tín ngưỡng này là lệ cúng quan Xá sai ty Mai Công Hương thường diễn ra trọng thể vào ngày 30 tháng 11 và mùng 01 tháng chạp âm lịch hàng năm tại xã Nhựt Ninh.

Xây dựng đền thờ

Sự ra đời của đình đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng của cư dân Tân Trụ trong quá trình khai hoang lập ấp.

Hàng năm, các đình làng ở Tân Trụ đều tổ chức cúng tế 3 hoặc 4 lần vào các dịp Kỳ yên, Thượng điền, Hạ điền và Cầu bông.

Ảnh thờ Nguyễn Trung Trực
Ảnh thờ Nguyễn Trung Trực

Mục đích của những lễ nghi nông nghiệp này là cầu cho Quốc thới dân an, mùa màng tươi tốt. Ở Tân Trụ hiện còn tồn tại 17 ngôi đình của các ấp xã xưa, đa số được xây dựng vào thế kỷ XIX, trong đó có 3 đình còn giữ được sắc thần do vua Tự Đức ban vào năm 1852.

Bên cạnh những tín ngưỡng dân gian của người Việt, ở một vài nơi trên đất Tân Trụ còn có tín ngưỡng của người Hoa.

Điều này thể hiện qua một số cơ sở thờ tự tôn giáo như chùa Ông (thị trấn Tân Trụ), chùa Ông thuộc cụm di tích chùa Ông – đình thần Nhựt Tảo (xã An Nhựt Tân).

Các tôn giáo chủ yếu ở huyện Tân Trụ:

Phật giáo đóng vai trò chủ đạo

Năm 2014, Tân Trụ có 18 cơ sở thờ tự với …..tín đồ được xây dựng hồi đầu thế kỷ XX đến năm 1973.

Phật giáo đã theo chân những nhóm di dân từ miền Trung đến Tân Trụ và đóng vai trò là nguồn an ủi tinh thần, giúp cho cư dân nơi đây vượt qua những khó khăn thử thách để đứng vững trên vùng đất mới.

Phật giáo là tín ngưỡng chủ đạo
Phật giáo là tín ngưỡng chủ đạo

Phật giáo nói chung là thích nghi và hòa hợp với nếp sống của dân tộc. Vì thế, nhân dân Tân Trụ ít nhiều đều chịu ảnh hưởng của triết lý Phật giáo như: luân hồi, nhân quả, niết bàn…

Một số phong tục tập quán ở Tân Trụ như cúng rằm, ăn chay, kiêng kỵ, không sát sinh, đi chùa lễ Phật… đều liên quan chặt chẽ đến Phật giáo.

Đạo Cao Đài

Tân Trụ có 03 cơ sở thờ tự Thánh Thất Bình Tịnh (Phái Bến Tre), Thánh Thất Thị Trấn Tân Trụ (Phái Tây Ninh) và Thánh Thất Nhựt Ninh (hoạt động riêng lẻ).

Nguồn: Wikipedia



    Gọi điện ngay
    Chat Zalo
    Chat Zalo
    Gọi điện ngay